Tìm hiểu về bệnh đái dầm, tiểu són

Đái dầm, tiểu són tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hằng ngày. Và vì tế nhị, mà một số người bệnh còn không chịu đi khám khiến cho bệnh không được chữa trị đúng cách khi mới ở giai đoạn nhẹ.

Bệnh đái dầm, tiểu són
Bệnh đái dầm, tiểu són

Tiểu són, đái dầm là gì?

Són tiểu (đái dầm) hay tiểu không kiểm soát là tình trạng nước tiểu thoát ra ngoài ý muốn. Do một rối loạn chức năng bàng quang (bàng quang tăng hoạt). Tình trạng này khiến cho người bệnh mắc tiểu rất cấp bách, rất khó khăn để kiềm giữ được nước tiểu.

Hầu hết mọi người bị rò rỉ nước tiểu với lượng không đáng kể trong khi một số người lại bị són đái thường xuyên hoặc nghiêm trọng. Chính việc tiểu không kiểm soát này khiến người bệnh gặp khá nhiều rắc rối trong vấn đề vệ sinh cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Ví như nước tiểu cứ rỉ hoặc chảy ra trước khi bạn kịp chạy đến nơi có thể tiểu hoặc có khi nước tiểu cứ són ra vài giọt mà bạn không biết khiến người ngợm, quần áo đầy mùi khai. Nhiều người thậm chí phải mang tã khi ra đường.

Các triệu chứng thường thấy của són tiểu, tiểu không tự chủ là:

  • Tiểu đêm nhiều lần: ít nhất là 2 lần mỗi đêm.
  • Đi tiểu không kiểm soát sau gắng sức nhẹ, ho, rặn…;
  • Tiểu lắt nhắt, tiểu hơn 1 lần mỗi hai tiếng đồng hồ hoặc trên 7 lần một ngày.
  • Đái dầm
  • Tiểu buốt, tiểu gắt.

Cơ chế gây tiểu són (tiểu không tự chủ), đái dầm

  • Són tiểu áp lực: đây được xem là chứng tiểu không tự chủ phổ biến hơn cả. Xảy ra khi áp lực trong bàng quang quá lớn, vượt ngưỡng mà đường ra của bàng quang có thể chịu được. Cộng thêm việc cơ sàn chậu yếu dẫn đến nước tiểu có xu hướng bị rò rỉ nhất là khi ho, cười, hắt hơi hoặc khi tập thể dục (chạy, nhảy). Tiểu són áp lực thường gặp ở phụ nữ sau sinh, người béo phì, người cao tuổi hoặc đàn ông sau phẫu thuật u xơ phì đại tuyến tiền liệt và xạ trị ung thư tuyến tiền liệt.
  • Tiểu són cấp kỳ: Là do bàng quang hoạt động quá mức hoặc không ổn định. Người bệnh sẽ cảm thấy buồn tiểu đến mức không kịp chạy ra nhà vệ sinh, do các cơ bàng quang co quá sớm và các kiểm soát thông thường bị hạn chế. Ở bệnh nhân tiểu són cấp kì, thông tin mà bàng quang chuyển đến não có thể bị sai lệch: Như khi bàng quang chưa đầy nhưng đã phát tín hiệu đến bão rằng nó đã đầy dẫn đến người bệnh muốn tiểu ngay lập tức, tiểu mất tự chủ.

    Nam, nữ và nhiều người già vướng vào chứng són tiểu, tè dầm
    Nam, nữ và nhiều người già vướng vào chứng són tiểu, tè dầm

Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ

Tiểu són, đái dầm có thể gặp cả ở nam giới, nữ giới và có nhiều ở người già. Nó có thể là những dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm, trong đó phải kể đến:

  • Bệnh lý tim mạch: Trong số các bệnh lý ảnh hưởng đến chứng tiểu không kiểm soát có bệnh suy tim, bệnh nhân mắc các bệnh suy tim rất có thể mắc chứng tiểu không kiểm soát.
  • Rối loạn nội tiết: Tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường sẽ gây ra rối loạn, tổn thương các quá trình chuyển hóa, các tổ chức của cơ thể trong đó có hệ thống thần kinh. Nhìn chung các tác động lên hệ thần kinh thường gặp nhất trên người đái tháo đường là rối loạn thần kinh tự động.  Biểu hiện: khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, nôn khi ăn…, giảm nhu động ruột (tiêu chảy hoặc táo bón), rối loạn co bóp bàng quang (tiểu són, tiểu không tự chủ, nhiễm khuẩn tiết niệu).
  • Bệnh ảnh hưởng đến thần kinh: Những bệnh lý như rối loạn thần kinh,đột quỵ, sa sút tâm thần, rối loạn nhận thức… Có thể gây mất chức năng của bàng quang do làm tổn thương môt phần của hệ thống thần kinh. Mắc các bệnh này khiến bàng quang hoạt động kém, khả năng tống xuất nước tiểu và khả năng phối hợp các cơn co thắt bàng quang đều kém đi.
  • Bệnh tiền liệt tuyến, trong đó:

+ U xơ phì đại tuyến tiền liệt – một bệnh thường gặp ở nam giới khi bước sang tuổi trung niên do sự gia tăng kích thước bất thường của tuyến này. Khi đó, các lớp mô xung quanh  bàng quang sẽ dày lên để ức chế tuyến tiền liệt phình to khiến  thành bàng quang trở nên dày hơn và dễ bị kích thích dẫn đến các hoạt động co bóp của bàng quang bị rối loạn và cơ vòng bàng quang hoạt đông bớt linh hoạt. Bên cạnh đó, khi tuyến tiền liệt to lên sẽ chèn ép lên niệu quản gây chít hẹp. Đó chính là hai nguyên nhân gây ra những triệu chứng phì đại tiền liệt tuyến điển hình là tiểu són, tiểu không tự chủ ở nam giới quan trọng nhất.

+ Viêm tuyến tiền liệt: Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt gồm triệu chứng kích thích (tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt, tiểu rắt) và triệu chứng bế tắc (tiểu khó, tiểu phải rặn, tiểu buốt, tiểu rát,..nặng hơn là bí tiểu). Tình trạng viêm này kéo dài có thể gây ra viêm nhiễm ngược dòng dẫn đến viêm bàng quang, tiết niệu.

+ Các bệnh khác như tắc nghẽn,…: Một khối u bất cứ nơi nào dọc theo đường tiểu có thể cản trở dòng chảy bình thường của nước tiểu và gây ra tiểu không tự chủ (nước tiểu thường tràn không tự chủ).

Són tiểu và những hệ lụy tâm lý nặng nề

Chứng tiểu són, đái dầm tuy không đe dọa đến sức khỏe nhưng lại có ảnh hưởng rất xấu về mặt tâm lý và sinh hoạt đối với những người không may mắc bệnh.

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe: Tiểu són là dấu hiệu cảnh báo rất nhiều bệnh lý khác nhau trong đó có cả những bệnh lý nguy hiểm, nếu mắc bệnh bạn nên đến các cơ sở y tế khám chữa sớm. Bên cạnh đó, nếu tình trạng tiểu són kéo dài sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh khu vực sinh dục, tiết niệu dẫn đến nhiễm trùng. Mót tiểu thường xuyên, tiểu buốt ra mủ, tiểu lắt nhắt, nước tiểu đục đôi khi lẫn máu là những triệu chứng điển hình khi bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Đa phần bệnh nhân tiểu són cảm thấy mặc cảm, tự ti. Những lo lắng về chứng bệnh này khiến họ sống không còn vui vẻ, thậm chí một số người còn dừng việc tập luyện thể dục vì lo sợ tiểu không kiểm soát trong lúc vận động. Từ chối tham dự các buổi gặp mặt, hội họp, tụ tập do tự ti về mùi. Hoặc hạn chế di chuyển xa vì họ cần phải sử dụng nhà vệ sinh thường xuyên.
Khi thấy có triệu chứng hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và tư vấn điều trị
Khi thấy có triệu chứng hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và tư vấn điều trị

Xử lý khi bị bệnh đái dầm, đái són

Phòng ngừa tiểu không tự chủ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ và hạn chế tình trạng tiểu không tự chủ bằng những lưu ý sau:

  • Hạn chế uống nhiều nước vào buổi tối, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Mỗi ngày không nên uống quá 1,8 lít nước.
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm có chất kích thích bàng quang  gây són tiểu như rượu bia, đồ uống có cồn, thực phẩm có chứa cafein, thực phẩm chứa chất chua…
  • Hạn chế tình trạng táo bón chèn ép gây tiểu són. Hiện nay, cả người lớn và trẻ em bị táo bón là rất hay gặp do chế độ ăn uống kém lành mạnh. Bạn nên ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước để đường ruột hoạt động trơn tru và hiệu quả. Ngăn ngừa táo bón chính là cách để phòng và hạn chế yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng tiểu không tự chủ.
  • Không hút thuốc lá: Vì nicotine trong thuốc lá có tác dụng kích thích bàng quang ngay lập tức, bên cạnh đó còn tăng cường nguy cơ ung thư bàng quang nếu dùng thời gian dài.
  • Duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Nếu đang thừa cân, đạt trọng lượng khỏe mạnh có thể giúp đỡ.
  • Thực hành bài tập Kegel: Phụ nữ tập Kegel trong khi mang thai giống như biện pháp phòng ngừa tiểu són.
  • Tập thể dục: Vận động cơ thể giúp làm giảm nguy cơ phát triển tiểu không tự chủ.

Lưu ý dành cho những người bị són tiểu, tiểu không tự chủ:

  • Thăm khám định kì để hỗ trợ kiểm soát bệnh tình đồng thời phòng tránh kịp thời những biến chứng do tiểu không tự chủ gây ra. Bạn cũng nên chú ý đến những biểu hiện của nước tiểu như màu sắc, mùi, nước tiểu đục hay có bọt hay không một cách thường xuyên để báo cho bác sĩ của bạn.
  • Rèn luyện thói quen đi vệ sinh đều đặn: Cứ nửa giờ vào nhà vệ sinh một lần cho dù cảm giác có bức bách hay không. Khi nhịp độ đó được duy trì, thời gian giữa mỗi lần vào nhà vệ sinh sẽ kéo dài hơn đến 3-4 giờ, mọi việc sẽ ổn định.
  • Tập luyện các bài tập phản xạ như Kegel giúp tăng trương lực cho nhóm cơ mu – cụt. Giúp điều chỉnh phản xạ bàng quang, cải thiện tình trạng tiểu són, đái dầm, tiểu không tự chủ.
  • Lựa chọn sử dụng thuốc chữa són tiểu hoặc phương pháp phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.
  • Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục thường xuyên để tránh viêm nhiễm do chứng són tiểu gây ra.

Tiểu không kiểm soát dù là bệnh tế nhị, khó nói những khi phát hiện bệnh bạn nên mạnh dạn chia sẻ với người thân cũng như đến gặp bác sĩ để nhận được những lời khuyên và cách điều trị phù hợp tránh ảnh hưởng đến sức khỏe  cũng như  đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Són tiểu là một chứng thường gặp, tuy tế nhị nhưng cũng là một loại bệnh như các loại bệnh tật khác. Không nên vì mắc cỡ mà dấu diếm, khiến cho bệnh không được chữa trị đúng mức và vào lúc còn nhẹ. Khi có triệu chứng, bạn nên chia sẻ với người thân cũng như đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Dược sĩ Như Quỳnh

Rate this post

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *