Suy dinh dưỡng có thể xảy ra ở trẻ em từ khi còn trong bào thai cho đến người trường thành. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của trẻ. Đó là lý do cha mẹ cần chú ý để tránh con, em mình rơi vào trường hợp này.
Thực trạng hiện tượng suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam
Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2014 thì trong ba thập kỷ qua tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Theo đó, giai đoạn 1985-2014, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 51,5% xuống còn 14,5 % và tỷ lệ thấp còi cũng giảm từ 59,7% xuống còn 24,9 %.
Tuy nhiên, cũng theo tỷ lệ này thì hiện tại ở nước ta, cứ 4 trẻ thì vẫn còn 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Điều này có thể là do tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ vẫn còn cao bởi thoe thống kê thì tỷ lệ thiếu máu của trẻ dưới 5 tuổi là 29,2%; 81,2% thiếu kẽm; 53,7% trẻ em nông thôn và 62,1% trẻ em thành phố thiếu vitamin D,…
Các nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng phải đối mặt
Khi bị suy dinh dưỡng trẻ có thể phải đối mặt với nhất nhiều nguy cơ về sức khỏe, thể chất, tinh thần… như:
- Tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi: Trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi do các bệnh nhiễm trùng thông thường. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây gây ra khoảng 35% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
- Sức đề kháng yếu dễ mắc bệnh: Trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý nhiễm trùng. Vì thế, các mẹ có thể thấy trẻ dễ bị ho hay trẻ bị sổ mũi, thở khò khè và bệnh thường kéo dài, lâu khỏi hơn so với bình thường. Các bệnh này khiến trẻ bị suy giảm khả năng miễn dịch, rối loạn hấp thu và khiến tình trạng suy dinh dưỡng càng trở nên nặng nề.
- Ảnh hưởng đến phát triển thể chất: Suy dinh dưỡng ảnh hường rất lớn đến sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ cơ-xương. Ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn nếu trẻ bị suy dinh dưỡng trong thời kỳ dưới 24 tháng tuổi và kéo dài đến tuổi dậy thì.
- Ảnh hưởng đến tinh thần: Suy dinh dưỡng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển não bộ và trí tuệ của trẻ. Trẻ bị suy dinh dưỡng tư duy chậm chạp hơn so với những trẻ bình thường. Điều đó kéo theo một loại hệ lụy như trẻ kém giao tiếp, rụt rè, thụ động, chậm học hỏi, tiếp thu,…
- Ảnh hưởng về mặt xã hội: Vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ nếu không được cải thiện sẽ di truyền qua các thế hệ sau, làm suy giảm tầm vóc quốc gia, giảm khả năng lao động thể lực cũng như trí óc. Nhìn xa hơn thì tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng gia tăng sẽ gây
Nguyên nhân khiến bé bị suy dinh dưỡng
Nguyên nhân gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ có thể chia thành 2 nhóm, một là do thiếu hụt chất dinh dưỡng, hai là do cơ thể tăng nhu cầu sử dụng dưỡng chất. Sau đây là những nguyên nhân cụ thể gây suy dinh dưỡng ở trẻ em:
Chế độ ăn uống thiếu hụt nhiều dưỡng chất thiết yếu
Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ chính là chế độ ăn uống nghèo nàn và thiếu chất dinh dưỡng do một số cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con như:
- Cai sữa sớm cho trẻ hay cho trẻ bú sữa ngoài thay vì bú sữa mẹ.
- Cho bé ăn dặm không đúng cách.
- Cho trẻ ăn quá ít so với nhu cầu dinh dưỡng cơ thể cần.
Trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng
Hệ miễn dịch của trẻ còn yếu ớt, chưa được phát triển một cách hoàn thiện nên trẻ hay ốm vặt là vì thế. Đặc biệt là đối với trẻ vì một lý do nào đó mà không được bú sữa mẹ thì tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, tiêu chảy,..sẽ cao hơn.
Khi bị ốm, trẻ thường cảm thấy khó chịu và biếng ăn. Mặt khác, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh cho trẻ không chỉ tiêu diệt các vi trùng gây hại cho cơ thể, mà còn tiêu diệt các vi khuẩn có lợi ở hệ tiêu hóa của trẻ. Do đó, hệ vi sinh trong ruột bé bị mất cân bằng và khiến trẻ hấp thụ thức ăn kém, biếng ăn.
Trẻ sinh non, không được uống sữa mẹ lúc mới sinh
Sữa mẹ là thực phẩm tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, là thực phẩm không thể thay thế trong những năm đầu đời của trẻ . Vì thế, việc không được bú hay trẻ biếng bú, bú ít sữa mẹ do mẹ có ít sữa hay bị tắc tuyến sữa là một thiệt thòi rất lớn đối với các bé.
Do đó, cần bổ sung thêm sữa ngoài cho trẻ không được bú sữa mẹ theo khuyến cáo của bác sĩ. Không nên cho trẻ ăn dặm khi chưa đủ 4 tháng tuổi và cai sữa trước 1 tuổi.
Làm sao phát hiện con bị suy dinh dưỡng
Những chỉ số đánh giá dinh dưỡng và sự phân chia giai đoạn suy dinh dưỡng dưới đây sẽ giúp cha mẹ trong việc chăm sóc con và sớm nhận ra tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ.
Các chỉ số đánh giá dinh dưỡng toàn diện
Đế phát hiện con có bị suy dinh dưỡng hay không cần có ít nhất 3 chỉ số đánh giá dinh dưỡng toàn diện đó là:
- Cân nặng theo tuổi.
- Chiều cao theo tuổi.
- Cân nặng theo chiều cao.
Các chỉ số này sẽ được so sánh với bảng đánh giá tình trạng dinh dưỡng của WHO áp dụng ở các nước đang phát triển, để từ đó sẽ xác định trẻ nằm một trong ba nhóm sau:
- Trẻ đạt chuẩn trung bình.
- Trẻ suy dinh dưỡng thể thừa cân hoặc thấp còi.
- Trẻ thừa cân béo phì hay quá cao.
Vì thế, chiều cao cân nặng của trẻ cần được theo dõi thường xuyên mỗi tháng để mẹ có thể phát hiện những thay đổi bất thường ở trẻ.
Các mức độ suy dinh dưỡng ở trẻ
Căn cứ vào độ lệch chuẩn cân nặng/chiều cao sẽ xác định được mức độ suy dinh dưỡng của trẻ. Có 3 mức độ suy dinh dưỡng đó là nhẹ, vừa và nặng. Khi một chỉ số dưới -2SD là suy dinh dưỡng vừa và một chỉ số dưới -3SD là suy dinh dưỡng nặng.
Trẻ bị suy dinh dưỡng phải làm sao?
Bé có thể bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ, tức là ở thời kỳ bào thai. Vì vậy cần chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho bà mẹ ở thời kì mang thai và cho con bú để hạn chế tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng.
Việc chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng để trẻ có cân nặng, chiều cao ổn định như trẻ bình thường cần phải có sự phối hợp của nhiều nguyên tắc như:
Về môi trường sống của trẻ: Môi trường sống dành cho trẻ bị suy dinh dưỡng cần đảm thoáng đãng, sạch sẽ và trong lành. Trẻ cần được sử dụng nguồn nước sạch.
Về chế độ sinh hoạt (gồm vệ sinh thân thể và các hoạt động thể chất):
- Trẻ bị suy dinh dưỡng phải được vệ sinh thân thể sạch sẽ. Đặc biệt chú ý đến vệ sinh tay chân trước và sau khi ăn để tránh vi khuẩn đi sâu vào hệ thống tiêu hóa gây ảnh hướng đến hấp thụ chất dinh dưỡng ở trẻ.
- Thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất, vận động cơ thể như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, nhảy dây… hay các trò chơi vận động nhẹ nhàng khác để ổn định sức khỏe.
Về bổ sung chất dinh dưỡng và nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng:
- Bổ sung chất dinh dưỡng: Hiện nay trên thị trường có xuất hiện nhiều loại sản phẩm giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng. Tham khảo sự tư vấn của bác sĩ để lựa chọn sản phẩm có lợi nhất.
- Nguyên tắc để xây dựng chế độ ăn cho trẻ:
Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng vô cùng quan trọng và nó khác với chế độ ăn bình thường của những trẻ cùng trang lứa. Vậy trẻ suy dinh dưỡng nên ăn gì?
– Thứ nhất: Cần đặc biệt tăng cường chất dinh dưỡng, không những đầy đủ mà cần đa dạng các loại chất dinh dưỡng khác nhau tùy theo độ tuổi. Cùng với đó là chế biến thành đồ ăn phù hợp đối với trẻ.
– Thứ hai: Thêm dầu mỡ vào các món ăn cho trẻ. Trên 6 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu sử dụng dầu ăn có trong các món ăn dặm.
– Thứ ba: Nên cho bé ăn cháo đặc. Cháo loãng nhiều nước, khiến bụng nhanh no nhưng ít dinh dưỡng. Vì thế, hãy chế biến cháo cho trẻ ở dạng đặc (tùy khẩu vị của từng bé) để cung cấp đủ dưỡng chất.
– Thứ tư: Bổ sung các bữa phụ, các bữa phụ có thể được cung cấp bằng những thực phẩm như trái cây, sữa… Tuy nhiên, bữa phụ nên được cung cấp sau bữa chính khoảng 2 tiếng để thực sự hiệu quả. Các bữa ăn của trẻ suy dinh dưỡng nên được chia nhỏ làm nhiều lần trong ngày (khoảng 5-6 bữa).
– Thứ năm: Chế biến đồ ăn cho trẻ nên chú ý đến mùi vị, hương thơm và sắp xếp bắt mắt để hấp dẫn trẻ.
Việc trẻ suy dinh dưỡng uống thuốc gì thì mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tự ý sử dụng cho bé.
Với những thông tin cung cấp ở trên, hi vọng sẽ giúp ích cha mẹ phần nào trong việc theo dõi sự phát triển của con trẻ. Nếu có thể, cha mẹ hãy kiểm tra sức khỏe định kỳ cho con để phát hiện sớm và ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.
Dược sĩ Như Quỳnh