Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi rất hay ốm vặt, nhất là hay bị mắc các bệnh như: viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm… và thường xuyên lặp lại. Trẻ hay ốm hầu hết đều có điểm chung là sức đề kháng yêu, hệ thống đường ruột kém, biếng ăn, uống nhiều kháng sinh…
Trẻ hay ốm vặt vì sao?
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ hay ốm vặt và mỗi giai đoạn phát triển thì những nguyên nhân đó lại khác nhau. Các bố mẹ hãy cùng tìm hiểu một số nguyên nhân phổ biến sau đây:
Nguyên nhân chung khiến trẻ hay ốm vặt
Do sức đề kháng kém:
- Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh rất non nớt, thế nhưng hằng ngày trẻ phải tiếp xúc với rất nhiều tác nhân gây bệnh từ môi trường. Vì thế, trẻ luôn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là những trẻ không được bú sữa mẹ (vì không được nhận thụ động kháng thể thông qua sữa mẹ). Vì thế nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách mang lại sức khỏe tuyệt vời cho bé kể cả khi còn nhỏ và lúc trưởng thành không còn bú sữa mẹ.
- Một phần nữa do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện cũng khiến trẻ khó tiêu hóa được đường lactose hoặc đạm trong sữa công thức. Dẫn đến việc trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu hóa kém, như bé bị táo bón, đau bụng, nôn trớ, tiêu chảy…
- Hệ thống tiêu hóa kém, biếng ăn hay sử dụng nhiều kháng sinh… đều gây ảnh hưởng tới sức đề kháng của trẻ. Các yếu tố này xảy ra liên tục và tạo thành vòng tròn bệnh lý: Trẻ ốm vặt khiến trẻ khó chịu nên trẻ biếng ăn chậm lớn; biếng ăn kéo dài trẻ sẽ bị thiếu chất, cơ thể gầy yếu thậm trí là trẻ bị suy dinh dưỡng và hậu quả của suy dinh dưỡng là lại làm sức đề kháng của trẻ càng kém hơn.
Do cha mẹ chăm sóc không đúng cách:
Bố mẹ thiếu kiến thức trong việc chăm sóc trẻ, nhất là các vấn đề về vệ sinh, ăn uống… hàng ngày cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ hay ốm vặt. Cụ thể:
- Nhiều mẹ cứ lo lắng và than thở rằng trẻ bị sổ mũi, trẻ bị ho có đờm hay tiêu chảy cứ như cơm bữa thì các mẹ nên kiểm tra môi trường sống quanh trẻ đã đảm bảo chưa. Vì một môi trường không được dọn dẹp thường xuyên và không thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, hệ tiêu hóa…
- Việc trẻ ăn uống không đảm bảo vệ sinh cũng có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus tấn công và gây bệnh cho trẻ.
- Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo cũng góp phần vào tình trạng thiếu hụt vi chất ở trẻ, tác động xấu đến hệ miễn dịch và sự tăng trưởng của trẻ.
Do điều trị không triệt để đối với các bệnh phải dùng kháng sinh:
Đôi khi trẻ bị ốm cần phải dùng đến kháng sinh. Tuy nhiên, vì lý do nào đó người lớn không sử dụng đủ liều cho trẻ dẫn đến bệnh không được điều trị triệt để, trẻ dễ dàng mắc lại căn bệnh đó.
Đặc điểm ốm vặt ở trẻ ở từng giai đoạn
- Giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ: Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch đều rất yếu ớt nên có thể dễ dàng bị ảnh hưởng từ các tác nhân ngoài môi trường gây ra tình trạng ốm vặt.
- Bé ở tuổi đi nhà trẻ: Trong độ tuổi đi nhà trẻ, bé thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường có nhiều trẻ khác vì vậy sẽ dễ gặp phải tình trạng lây chéo những căn bệnh về đường hô hấp, bệnh lây nhiễm…
- Trẻ nhỡ: Trong giai đoạn này trẻ cần nhiều vi chất để phát triển toàn diện. Vì thế, nếu không được chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng đúng cách thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu chất, sức đề kháng kém và hay bị ốm vặt.
Làm thế nào để trẻ khỏi ốm nhanh?
Với những nguyên nhân cụ thể trên, bố mẹ có thể tham khảo những cách dưới đây để giúp trẻ khỏi ốm nhanh:
- Tăng sức đề kháng cho trẻ giúp cơ thể trẻ tự chống chọi được với bệnh tật và hạn chế tình trạng tái lại bệnh bằng những thực phẩm tăng sức đề kháng.
- Thông thường bé ốm không chịu ăn gì khiến cơ thể trẻ càng mệt mỏi và không có sức chống lại bệnh tật. Vì thế, mẹ nên chú ý chế biến những món ăn dễ nuốt, nhiều dinh dưỡng, kích thích vị giác để giúp bé lấy dần được cảm giác ngon miệng.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân cho bé.
- Cho trẻ ngủ đủ giấc, uống đủ nước và duy trì chế độ ăn đủ dưỡng chất theo từng giai đoạn phát triển.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác đang bị ốm hoặc người bệnh.
- Khi trẻ bị ốm, nếu là các căn bệnh thường gặp thì thay vì sử dụng kháng sinh ngay, mẹ nên tìm cách chữa cho trẻ bằng những cây thuốc sẵn có trong tự nhiên. Cách này vừa đảm bảo an toàn vừa hiệu quả chữa trị tốt như các bài thuốc trị ho ở trẻ em, trị viêm phế quản nhẹ…Tuy nhiên, mọi biện pháp dùng thuốc đều nên được chỉ định bởi bác sĩ.
Ba mẹ hãy cố gắng giành nhiều nhất thời gian có thể cho con, dõi theo con để có thể nhận thấy nhanh nhất mọi thay đổi về tình trạng sức khỏe của con. Có như vậy, thì mọi bệnh tình của trẻ mới được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Dược sĩ Như Quỳnh