Tình trạng trẻ bị ho có đờm, hắt hơi, sổ mũi không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe của trẻ mà còn khiến trẻ khó chịu, thường xuyên quấy khóc, mệt mỏi, lười ăn,… khiến nhiều bậc cha mẹ hoang mang và lo lắng. Thông tin dưới đây hy vọng sẽ giúp ích được cha mẹ phần nào.
Trẻ ho có đờm và sổ mũi là triệu chứng của bệnh gì?
Ho, sổ mũi là phản ứng của cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân bên ngoài và những loại virus, vi khuẩn gây bệnh khác nhau. Ho có rất nhiều loại nhưng được chia thành hai loại chính là ho khan – thường gặp khi bị viêm mũi họng và ho có đờm – dấu hiệu thường thấy của bệnh nhiễm trùng thanh khí quản.
Khi trẻ bị ho có đờm kèm theo sổ mũi kéo dài khiến trẻ rất khó chịu, thở khó, đau rát họng nên trẻ biếng ăn và luôn uể oải, mệt mỏi.
Ho có đờm, sổ mũi ở trẻ em thường do các nguyên nhân sau:
- Cảm lạnh: Khi giao mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi rõ rệt cộng thêm độ ẩm không khí tăng làm trẻ dễ bị cảm lạnh. Bên cạnh đó, ba mẹ có thói quen ủ ấm con quá mức khiến mồ hôi ra nhiều lúc ngủ làm trẻ dễ nhiễm lạnh. Khi bị cảm lạnh, họng là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên, đau hoặc viêm họng cấp ở trẻ em. Sau đó là các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi.
- Cảm cúm: Rất nhiều người nhầm lẫn cảm cúm và cảm lạnh. Nhưng khi cảm cúm triệu chứng thường dồn dập và tăng nhanh hơn: sốt cao 38-39 độ C, sổ mũi, đau họng và mệt mỏi trong người. Cảm cúm có thể tự khỏi sau 5-7 ngày và chưa có thuốc đặc trị nguyên nhân.
- Viêm phế quản, viêm tiểu phế quản và viêm phổi: Trẻ đặc biệt nhạy cảm với sự xâm nhập của vi khuẩn, virus do hệ thống hô hấp của trẻ còn non nớt. Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi ở trẻ là triệu chứng khó thở, ho, sổ mũi, sốt cao, quấy khóc, lười bú.
- Viêm mũi dị ứng, viêm xoang: Viêm mũi dị ứng do thời tiết hay do các tác nhân bên ngoài môi trường (phấn hoa, lông động vật,..) sẽ gây ra triệu chứng sổ mũi. Dịch tiết mũi chảy xuống cổ họng gây viêm tại chỗ và kích thích trung tâm ho.
Làm gì để trẻ hết ho có đờm và sổ mũi
Ho có đờm và sổ mũi nếu không được chữa trị kịp thời sẽ tiến triển thành các bệnh rất nguy hiểm. Vậy mẹ nên làm gì khi trẻ gặp các hiện tượng này?
Trẻ bị ho có đờm và sổ mũi thì uống thuốc gì?
Nhiều mẹ cứ thấy trẻ ho có đờm sổ mũi là liền tìm đến các loại thuốc kháng sinh, thuốc tiêu đờm và thuốc trị ho. Sự kết hợp thuốc bừa bãi lại không tìm hiểu đúng nguyên nhân gây bệnh để điều trị sẽ làm cho bệnh không những không dứt mà tình trạng bệnh còn trở nên trầm trọng hơn.
Khi kết hợp thuốc tiêu đờm cho bé (như acetylcysstein) với thuốc chống dị ứng (loratadin, chlopheniramin,..) sẽ làm khô và ứ đọng đờm lại, khiến trẻ ho càng kéo dài hơn. Hay khi sử dụng thuốc tiêu đờm kết hợp với thuốc ức chế ho sẽ làm loãng đờm nhưng phản xạ ho của trẻ bị ức chế nên trẻ không thể khạc đờm ra được mà đờm cứ bị ứ đọng ở cổ.
Rồi một số mẹ lại cho trẻ uống kháng sinh mỗi khi bị trẻ bị ho có đờm và sổ mũi mà quên mất một điều “Kháng sinh chỉ được sử dụng khi bị nhiễm khuẩn” và “Sử dụng kháng sinh cần có sự kê đơn của bác sĩ”.
Ngoài ra, rất nhiều thuốc không được sử dụng ở trẻ em do tác dụng phụ của nó và mỗi một độ tuổi của trẻ lại có những chống chỉ định riêng.
Vì vậy, một lời khuyên tốt nhất cho ba mẹ là cùng trẻ đi gặp bác sĩ sớm nhất khi bé bị ho có đờm, sổ mũi để được chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị đúng cách.
Với những trường hợp trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm thông thường thì sử dụng những bài thuốc dân gian sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt. Đơn giản nhất là mẹ có thể nấu cháo hành cho trẻ hay sử dụng các gia vị có tác dụng chữa ho rất hiệu quả như húng chanh, bách bộ, núc nác, cỏ xạ hương, tỳ bà diệp,…Mật ong với đặc tính chống kháng khuẩn, giúp long đờm và làm dịu cổ họng cũng rất được lòng các mẹ trong điều trị ho đờm cho trẻ. Mật ong pha nước ấm để uống mỗi ngày hoặc ngậm nguyên 1 thìa cà phê mật ong khiến trẻ khá thích thú bởi vị ngọt của nó.
Các yếu tố cần kết hợp trong khi điều trị để trẻ hết đờm, ho, sổ mũi nhanh
Ngoài việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị ho có đờm, sổ mũi cho trẻ, các mẹ nên chú ý thực hiện một số điều sau để đứa trẻ của bạn được nhanh khỏe mạnh hơn:
- Rửa mũi, giữ ấm có thể: Thường xuyên rửa mũi cho con bằng nước muối sinh lý giúp làm ẩm niêm mạc mũi, long – loãng đờm khi mũi bị viêm.
- Súc miệng nước muối: Một cách hết sức đơn giản nhưng sẽ làm dịu cổ họng của bé và loại bỏ được nhiều vi khuẩn gây bệnh. Vì thế, mẹ có thể cho bé súc miệng thường xuyên bằng nước muối dù bé có bị ho đờm và sổ mũi hay không.
- Uống đủ nước mỗi ngày: Khi bé được cung cấp đủ nước mỗi ngày, nhất là nước ấm sẽ giúp cho chất nhầy loãng và di chuyển ra ngoài dễ dàng hơn.
- Ăn thực phẩm tốt cho đường hô hấp: Bạn có thể cho bé ăn những thực phẩm và đồ uống có chứa gừng, chanh và tỏi. Đây là những nguyên liệu tự nhiên giúp trị ho, tiêu đờm.
- Sử dụng tinh dầu bạch đàn, khuynh diệp: Những tinh dầu này giúp giảm ho đồng thời làm chất nhầy ở ngực loãng ra, trẻ có thể ho và tống chúng ra ngoài dễ dàng hơn. Mẹ có thể dùng tinh dầu để massage lòng bàn chân rồi mang vớ cho trẻ trước khi đi ngủ.
- Chườm ấm lên tai cho trẻ: Theo y học cổ truyền thì trên tai có rất nhiều sợi dây thần kinh mà khi gặp nhiệt độ cao, các dây thân kinh này bị kích thích, huyết quản giãn ra, máu lưu thông đến mũi tốt hơn và giúp mũi thông thoáng hơn. Vì thế, mẹ chỉ cần chườm 1 chiếc khăn ấm lên 2 bên tai trong khoảng 10 phút là đã giúp bé giảm thiểu khó chịu do ngạt mũi, số mũi.
- Gối đầu cao hơn cho trẻ: Gối đầu cao khi ngủ sẽ giúp cho việc thở trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt với trẻ sơ sinh, chủ yếu các bé thở bằng đường mũi nên sổ mũi khiến bé rất khó chịu và bú kém hơn bình thường.Vì thế, mẹ nên kê cao đầu trẻ sơ sinh hơn khi cho trẻ bú.
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ: Nhất là khi trẻ đi ra ngoài và vào ban đêm để tránh tình trạng ho nặng thêm.
- Cha mẹ cũng nên giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống và tạo thói quen vệ sinh cho trẻ để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
- Cách ly trẻ với những người bị cảm cúm để tránh lây nhiễm.
Hy vọng với những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp cha mẹ nắm được nguyên nhân trẻ bị sổ mũi ho có đờm, để từ đó có những phương pháp điều trị đúng đắn và hiệu quả.
Dược sĩ Như Quỳnh