Đau nhức đầu là triệu chứng được biết đến sớm nhất và xuất hiện trong rất nhiều bệnh lý. Vậy đau nhức đầu là do đâu và có thể mắc bệnh gì, hãy cùng đọc bài viết sau đây để có câu trả lời.
Hội chứng đau đầu là gì?
Đau đầu là một chứng bệnh thuộc về hệ thần kinh. Nó có thể là một bệnh cụ thể hoặc chỉ là một triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là các bệnh về nội sọ.
Triệu chứng của hiện tượng đau đầu
Đau đầu có nhiều tính chất và cường độ khác nhau. Người bệnh có thể cảm thấy đau nhói ở vùng đỉnh và hai bên đầu, hay cảm giác tê buốt âm ỉ kéo dài hoặc đau nhức đầu nặng nề như khoan.
Nguyên nhân và các bệnh lý liên quan đến hiện tượng đau đầu
Đau nhức đầu là triệu chứng lâm sàng mà bác sĩ hay gặp nhất nhưng không phải lúc nào cũng xuất phát từ lý do bệnh học. Có thể chia gây đau đầu thành hai nhóm như sau:
Nguyên nhân không phải bệnh lý
- Do thiếu ngủ, mất ngủ: Giấc ngủ là thời gian quan trọng cho não nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc. Việc mất ngủ hay thiếu ngủ gây thiếu máu và oxy não, từ đó làm cơ thể mệt mỏi và đau đầu.
- Do ngủ quá nhiều: Đặc biệt là ngủ quá lâu vào buổi trưa sẽ dễ khiến bạn cảm thấy nhức đầu, hoa mắt sau khi tỉnh dậy. Ngủ quá nhiều vào ban ngày còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ban đêm dẫn đến tình trạng đau nhức đầu vào buổi sáng.
- Do thay đổi thời tiết: Đau nhức đầu khi thời tiết thay đổi như trời trở lạnh, thời tiết ẩm thấp,… là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều người mà nguyên nhân là do giãn mạch máu não gây nên hiện tượng quay cuồng, đầu ong ong và có tiếng đập nhẹ ở phần đầu hoặc 2 bên thái dương.
- Đau nhức đầu ở phụ nữ sau sinh: Phụ nữ sau sinh có thể gặp hiện tượng đau nửa đầu. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như tâm sinh lý của người mẹ thay đổi, lo nghĩ nhiều hoặc do thay đổi nội tiết tố sau khi sinh (Nồng độ estrogen giảm đột ngột tạo áp lực lên thành mạch máu gây đau nhức đầu).
- Do uống rượu: Khi uống nhiều rượu khiến cơ thể rơi vào tình trạng mất nước do rượu có tính chất khử nước nên dẫn đến đau đầu, buồn nôn, choáng váng.
Nguyên nhân do bệnh lý
- Thiếu máu: Do não có nhu cầu đến 15% khối lượng máu từ tim nên bệnh nhân thiếu máu sẽ thường gặp những cơn đau đầu chóng mặt, đặc biệt là khi cúi đầu xuống. Cơn đau có tính chất lan tỏa và co thắt hoặc khu trú ở vùng gáy – trán.
- Bệnh thiên đầu thống – bệnh Glocom: Do áp lực trong mắt tăng cao dẫn đến bệnh nhân cảm thấy đau nhức vùng quanh hốc mắt lan lên nửa đầu cùng bên. Người bệnh đau dữ dội, vật vã kèm theo triệu chứng nhìn mờ, loạn sắc và có thể buồn nôn, vã mồ hôi, nhịp tim chậm.
- Bệnh đau nửa đầu Migraine: Đây là hội chứng đau đầu lành tính và hay tái phát. Nguyên nhân do rối loạn chức năng thần kinh với các triệu chứng điển hình là đau nhức một bên đầu từng cơn (kéo dài 4 – 72 giờ) kèm theo sợ ánh sáng, âm thanh và cảm giác buồn nôn, nôn ói.
- Đau đầu do căng thẳng thần kinh: Khi thần kinh căng thẳng và làm việc quá độ sẽ làm co giãn bất thường mạch máu ở não gây nên triệu chứng đau nhức đầu và choáng váng, hoa mắt chóng mặt.
- Ung thư: Đau đầu là một trong những triệu chứng của ung thư di căn điển hình. Thông thường đau lúc rạng sáng, xuất hiện lúc đang ngủ và đặc biệt người bệnh ngủ càng say, đau đầu càng dữ dội. Sau khi ngủ dậy, tầm 8-9h đau lại xuất hiện và càng dữ dội hơn. Cùng với đau đầu, người bệnh sẽ bị buồn nôn và nôn.
Cách điều trị đau đầu
Trong mọi trường hợp, điều đầu tiên cần làm đó là nghỉ ngơi thư giãn và tránh căng thẳng tâm lý.
Người bệnh có thể áp dụng các phương pháp vật lý như xoa bóp, day bấm huyệt hoặc dùng các thuốc giảm đau như asprin, paracetamol,…Tuy nhiên đây chỉ là cách giảm đau tạm thời, muốn điều trị tận gốc để hạn chế cơn đau đầu tái phát thì phải chữa trị căn nguyên gây bệnh. Muốn vậy thì người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám cẩn thận.
Trong trường hợp đau đầu không phải do nguyên nhân bệnh lý thì cơn đau đầu không quá nguy hiểm và nhanh chóng kết thúc. Còn nếu người bệnh bị đau dầu kèm theo các triệu chứng trong các bệnh kể trên thì nên đi khám ngay lập tức để tránh bệnh phát sinh nhiều biến chứng và khó chữa khỏi.
Dược sĩ Ngọc Mai