Số lần đi tiểu, cảm giác khi đi tiểu, và sự thay đổi màu của nước tiểu có thể là một phản ứng nào đó đối với cơ thể. Nó cho thấy sự tồn tại của những nguy cơ về sức khoẻ mà chúng ta cần theo dõi và phát hiện kịp thời để ngăn chặn các nguy cơ ẩn sau những biểu hiện: nước tiểu vàng, mùi khai, có bọt…
Nguyên nhân khiến nước tiểu có màu vàng đậm và có mùi khai
Thông thường, nước tiểu ở thể trạng bình thường có màu vàng nhạt, trong, màu hổ phách (do chứa sắc tố gọi là urochrome) và có mùi hơi nồng. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố sẽ dẫn đến một số thay đổi về màu sắc và xuất hiện mùi hôi.
- Nước tiểu vàng đậm, mùi khai nhưng không quá khó chịu: Uống ít nước khiến nước tiểu có màu vàng đậm do bị cô đặc lại. Ăn quá nhiều thực phẩm giàu đạm hay những gia vị có mùi nồng như gừng, tỏi hoặc uống rượu bia.
- Nước tiểu đỏ như màu nước trà: Có thể là do có lẫn mật.
- Nước tiểu có lẫn máu (màu đỏ máu): Có thể là triệu chứng của ung thư bàng quang và các bệnh lý như sỏi thận, nhiễm khuẩn,..
- Nước tiểu đục như kiểu có lẫn lòng trắng trứng (có cặn trắng): Chứng tỏ protein đã lọt qua thận, có nghĩa là thận có vấn đề, cần kiểm tra để điều trị.
Tuy nhiên, màu của nước tiểu không phải lúc nào cũng phản ánh bệnh tật mà có thể là do các màu (nhất là phẩm màu) trong thuốc hay trong thực phẩm tạo nên.
Ví dụ như Vitamin B2 làm nước tiểu có màu vàng tươi, một số thuốc an thần làm cho nước tiểu có màu đỏ, thuốc giảm đau có loại làm cho nước tiểu có màu da cam. Có loại thuốc điều trị huyết áp cao có thể làm nước tiểu có màu đen.
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ
Nước tiểu có mùi có thể là do một số thói quen sinh hoạt hằng ngày. Và nếu không phải do nguyên nhân bệnh lý, chỉ cần uống nhiều nước hoặc sau khi ngừng sử dụng thuốc, sau khi thức ăn được đào thải hết thì nước tiểu sẽ trở lại bình thường.
- Uống ít nước: Nếu nước tiểu có màu vàng đậm và hơi khai thì nguyên nhân đơn giản là do bạn uống thiếu nước. Do đó cần uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày, uống quá ít nước sẽ dẫn đến hiện tượng nước tiểu rất đặc và khai.
- Ảnh hưởng từ các loại thuốc: Mùi của nước tiểu cũng chịu ảnh hưởng rất lớn mùi vị của thuốc mà bạn đang dùng. Ví dụ: Uống hay tiêm các loại Penicillin, Ampicillin… thấy mùi rất đặc trưng từ nước tiểu.
- Ảnh hưởng của thức ăn: Mùi vị của thức ăn được bài tiết qua đường tiểu cũng ảnh hưởng đến mùi nước tiểu. Ví dụ: Nước tiểu sẽ có mùi rất nồng khi bạn ăn mặn. Nếu bạn uống quá ít nước lại ăn nhiều đồ ăn giàu đạm, uống rượu bia hoặc ăn nhiều thực phẩm có mùi nồng như tỏi, gừng… sẽ khiến nước tiểu chuyển màu vàng đậm và có mùi hơi hôi nhưng không quá khó chịu.
Tuy nhiên, cũng có thể chính các bệnh lý gây ra nước tiểu có mùi. Cụ thể như sau:
- Nhiễm trùng đường tiểu: Nếu nước tiểu có mùi hôi kèm theo một số triệu chứng như đau bụng dưới, đau buốt khi tiểu… thì đó là dấu hiệu bị nhiễm trùng đường tiểu. Là một bệnh nhiễm trùng thường xuất hiện khi vi khuẩn gây bệnh đi vào lỗ tiểu và sinh sôi trong đường tiểu hoặc do vi khuẩn từ máu đến định cư tại nơi này.
- Viêm đường tiết niệu: Triệu chứng thường thấy khi bị viêm đường tiết niệu là người bệnh đi tiểu rất nhiều lần, tiểu buốt, rát, nước tiểu thường có màu vàng đục, với mùi hôi khó chịu. Nếu bệnh nặng có thể đi tiểu ra máu.
- Viêm niệu đạo do lậu và chlamydia: Ngoài việc có màu vàng đậm hoặc vàng đục thì nước tiểu của người bị bệnh còn có mùi hôi rất khó chịu. Đi tiểu vào buổi sáng sẽ thấy mủ ở đầu niệu đạo kèm theo tiểu buốt rát, đau hông lưng và sốt.
Để biết chính xác nước tiểu vàng đậm và xuất hiện mùi hôi là bị bệnh gì, người bệnh cần phải tới gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị. Trong trường hợp người bệnh bị viêm nhiễm thì cần phải tiến hành thêm những xét nghiệm cần thiết để biết được chính xác bệnh và mức độ của bệnh ra sao để có phương án điều trị tốt nhất.
Nước tiểu đục, có cặn trắng là bị làm sao?
Nếu nước tiểu có màu trắng đục thì rất có thể bạn đang gặp những bất thường về sức khoẻ. Đó có thể là biểu hiện của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm niệu đạo do lậu cầu, đái cặn canxi do hiện tượng tăng phá huỷ xương hoặc đái dưỡng chấp… cụ thể:
- Có nhiều cặn photphat trong nước tiểu: Thường là do quá trình rối loạn chuyển hoá trong cơ thể.
- Tiểu ra urat: Có thể là do bệnh Gout làm sản sinh quá nhiều axit uric trong máu và nước tiểu. Hoặc là do pH nước tiểu thấp, làm cho axit uric trong nước tiểu chuyển thành urat và không tan được.
- Có dưỡng chấp trong nước tiểu: Thường gặp nếu bạn bị bệnh giun chỉ.
Nguyên nhân của nước tiểu có bọt
Nước tiểu có bọt tái diễn nhiều lần thì đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như:
- Gan và thận có vấn đề: Khi chức năng gan, thận kém sẽ khiến hàm lượng protein hoặc bilirubin trong nước tiểu tăng lên, thể hiện bằng các bong bóng.
- Viêm bàng quang hay nhiễm trùng đường niệu cũng là một trong những nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt.
- Bệnh tiểu đường hoặc PH trong nước tiểu thay đổi: Sẽ khiến nước tiểu có bong bóng.
- Nhiễm trùng đường tiểu, viêm tiền liệt tuyết…: Hiện tượng nước tiểu có bọt hoặc tiểu rắt, tiểu són, mót tiểu có thể là dấu hiệu bệnh viêm tuyến tiền liệt và nhiễm trùng đường tiểu.
- Thậm chí việc kiêng “yêu” quá lâu: cũng gây ra hiện tượng này.
- Mót tiểu hoặc đi tiểu quá mạnh: Cũng gây ra hiện tượng bọt khí trong nước tiểu.
Trong hầu hết các trường hợp thì nước tiểu có bọt không có gì đáng lo lắng và có thể giảm thiểu bằng cách uống nhiều nước. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra kỹ càng hơn.
Ngứa đường tiểu nguyên nhân vì sao?
Ngứa đường tiểu hay ngứa ở niệu đạo thường kèm theo dấu hiệu đau rát ở niệu đạo và vùng kín, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu đau, niệu đạo chảy dịch mủ có mùi hôi khó chịu… Đây chính là dấu hiệu của một số bệnh sau:
- Viêm niệu đạo: Do vệ sinh vùng kín không sạch, không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thực hiện thủ thuật nong niệu đạo hay đặt ống thông tiểu không đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn từ bên ngoài di chuyển vào niệu đạo và gây viêm.
- Bệnh lậu: Một bệnh lây truyền khi quan hệ tình dục không an toàn với người có bệnh. Người mắc lậu thường có triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu lắt nhắt, tiểu đau và tiểu ra mủ. Niệu đạo chảy dịch mủ có mùi hôi khó chịu. Niệu đạo và vùng kín ngứa ngáy, đau rát. Đau khi quan hệ tình dục,…
Viêm niệu đạo hay bệnh lậu nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và đời sống tình dục của người bệnh. Thậm chí viêm nhiễm còn lây lan đến các bộ phận khác gây viêm phụ khoa, viêm nam khoa, gây viêm thận, suy thận… làm tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn và cả nguy cơ ung thư đường tiết niệu.
Chỉ có chẩn đoán cụ thể từ các cơ sở y tế chuyên khoa mới giúp xác định ngứa đường tiểu do nguyên nhân nào. Kết hợp theo đó là những thông tin chi tiết về sức khỏe và mức độ bệnh để thầy thuốc đưa ra được cách thức điều trị phù hợp.
Nước tiểu màu vàng, mùi khai, có bọt, hay ngứa đường tiểu… đều có thể là những biểu hiện bất thường báo hiệu bệnh lý ở đường tiểu. Khi thấy các dấu hiệu này bạn cần chú ý theo dõi, nếu thấy kéo dài cộng thêm có những ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì cần đến cơ sở chuyên khoa kiểm tra để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị.
Dược sĩ Như Quỳnh