Nếu bạn thường xuyên tự hỏi “Tại sao cơ thể tôi luôn mệt mỏi?”, bạn đã thử nhiều phương pháp nhưng hiệu quả đem lại không được bao nhiêu thì bài viết dưới đây sẽ hữu ích đối với bạn.
Cơ thể mệt mỏi kéo dài là gì?
Tình trạng mệt mỏi kéo dài hay có thể gọi là tình trạng kiệt sức là trạng thái cơ thể luôn có cảm giác người uể oải mệt mỏi, kém năng động, không có động lực thực hiện bất cứ hoạt động nào ngay cả những hoạt động cơ bản hàng ngày.
Tình trạng mệt mỏi này có thể kéo dài kinh niên và không rõ nguyên nhân có thể kèm theo các triệu chứng khó chịu khác như đau đầu, đau cơ, đuối sức, ăn uống không ngon miệng, sút cân,..
Tựu chung lại tình trạng cơ thể mệt mỏi kéo dài là những bất ổn liên quan đến cả trạng thái tâm lý lẫn thể trạng của người bệnh
Cơ thể mệt mỏi do nguyên nhân gì?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tình trạng mệt mỏi do rất nhiều nguyên nhân gây ra, đa số các trường hợp là hệ quả của nhiều nguyên nhân chồng chéo lên nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản làm cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi kéo dài:
Nguyên nhân về tâm lý
Các nguyên nhân tâm lý được các chuyên gia đánh giá là loại nguyên nhân thường gặp nhất đặc biệt khi mà các áp lực công việc và xã hội đang ngày một gia tăng. Nhưng vấn đề tâm lý thường dẫn đến tình trạng mệt mỏi có thể kể đến như:
- Stress
- Các cú shock về tâm lý
- Trầm cảm
- Lo âu thường xuyên
Tất cả các vấn đề tâm lý thường dẫn đến cảm giác uể oải, mất động lực, chán chường,… và kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe khác làm cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi
Nguyên nhân về lối sống
Đây là một nguyên nhân quan trong mà ít người để ý đến nhưng lai có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên nhân chính như sau:
- Thiếu ngủ: Tình trạng thiếu ngủ lặp đi lặp lại là trạng thái không hiếm gặp trong một xã hội ngày càng áp lực hơn như hiện nay. Một người bình thường cần khoảng 7,5-8h ngủ mỗi đêm để cơ thể tự phục hồi sau một ngày hoạt động. Khi không ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi và không ở trạng thái tốt nhất để có thể làm việc vào ngày hôm sau.
- Tính chất công việc: những công việc đặc thù có áp lực cao (phi công, bác sỹ,..) hoặc có thời gian làm việc kéo dài, các công việc làm ca đêm hay những công việc phải ngồi nhiều một chỗ, tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính,… thường dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, kiệt sức cho người lao động.
- Thói quen ăn uống: Việc ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, tiêu thụ nhiều bia, rượu, cafe, các loại thức ăn nhanh, không uống đủ nước… có khả năng dẫn đến các rối loại về sức khỏe làm cơ thể dễ dàng trở nên mệt mỏi.
Nguyên nhân về bệnh lý
Nhiều tình trạng bệnh có khả năng dẫn đến trạng thái mệt mỏi kéo dài với cơ thể. Chi tiết về các bệnh lý sẽ được trình bày ở phần sau.
Cơ thể mệt mỏi do bệnh gì?
Như đã trình bày ở trên, một số bệnh cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng kiệt sức hay mệt mỏi kéo dài. Các bệnh thường gặp có thể kể đến như:
Thiếu máu
Khi mắc bệnh thiếu máu, cơ thể sẽ không được cung cấp đầy đủ oxy dẫn đến trạng thái mệt mỏi kéo dài. Ngoài mệt mỏi, bệnh nhân thiếu máu còn có thể có triệu chứng khó thở, đau đầu, chóng mặt, khó tập trung,rối loạn tiêu hóa, màu da nhợt nhạt,…
Bệnh lý tuyến giáp
Bệnh nhân gặp vấn đề về tuyến giáp có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài. Trong trường hợp cường giáp, bệnh nhân có thể sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân, đau mỏi cơ bắp, tăng thân nhiệt, tăng nhịp tim, luôn cảm thấy khát,… Trong trường hợp suy giáp, bệnh nhân sẽ tăng cân, mất tập trung, đau mỏi cơ bắp, táo bón,…
Đái tháo đường
Rối loạn chuyển hóa đường ở bênh nhân đái tháo đường thường dẫn đến tình trạng cơ thể không chuyển hóa đủ năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động. Rối loạn này sẽ làm cơ thể mệt mỏi thường xuyên. Một số triệu chứng liên quan của đái tháo đường thường là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu tiện nhiều, sút cân nhanh,…
Bệnh lý hô hấp
Điển hình như chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh này khiến bệnh nhân có những cơn ngừng thở khi ngủ dẫn đến việc bệnh nhân bị thức dậy nhiều lần trong đêm gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài. Ngoài việc thức dậy nhiều lần trong đêm, bệnh nhân còn có triệu chứng thở nông, ngáy to khi ngủ,…
Ngoài ra, triệu chứng hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, khí phế thũng cũng có thể là mệt mỏi nhưng thường kèm khó thở.
Các bệnh về gan
Gan là cơ quan chuyển hóa quan trọng của cơ thể nên các rối loạn về gan thường dẫn đến các rối loạn chuyển hóa gây nên trạng thái mệt mỏi kéo dài cho cơ thể. Người mắc bệnh gan thường sẽ có thêm các triệu chứng vàng da, vàng mắt, vàng nước tiểu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa,…
Các bệnh lý ung thư
Tình trạng mệt mỏi kéo dài và mãi không cải thiên dù đã nghỉ ngơi hợp lý có thể là do tác dụng phụ của một thuốc nào đó. Đặc biệt đây cũng có thể là biểu hiện của bệnh ung thư nào đó. Bạn nên đánh giá lại tình trạng sức khỏe của mình để có thể loại bỏ khả năng của căn bệnh nguy hiểm này. Tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Các giai đoạn của ung thư cũng gây nên mức độ mệt mỏi khác nhau và thường kèm theo sụt cân nhanh. Vì thế, cần đi sàng lọc, tầm soát ung thư đối với những bệnh nhân có nhiều nguy cơ.
Làm gì khi cơ thể mệt mỏi?
Cơ thể mệt mỏi là dấu hiệu nói lên sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề. Vì vậy không nên chủ quan mà phải thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời.
Đến với các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị
Bệnh nhân nên đến với các cơ sở y tế khi tình trạng mệt mỏi kéo dài từ 1-2 tuần hoặc kèm theo các triệu chứng nguy hiểm như khó thở, sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân, loạn nhịp tim,…
Cải thiện lối sống
Để cải thiện tình trạng mệt mỏi, một số lời khuyên sau đây có thể mang lại nhiều lợi ích:
- Cải thiện giấc ngủ: Ngủ đủ giấc luôn là một biện pháp hữu hiệu để làm giảm căng thẳng mệt mỏi. Để cải thiện tình trạng giấc ngủ chúng ta nên xây dựng một thói quen ngủ đều đặn và đúng giờ, ngoài ra chúng ta nên tạo phòng ngủ trở thành một không gian thoải mái, tránh âm thanh, ánh sáng và các thiết bị điện tử để có thể có một giấc ngủ tốt nhất. Đồng thời có thể bổ sung Magie (tắm muối episom, sử dụng các thực phẩm bổ sung,…) để tăng cường chất lượng giấc ngủ.
- Cải thiện chế độ dinh dưỡng: các chuyên gia thường khuyên chúng ta nên ăn nhiều hoa quả, rau xanh, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Đồng thời chúng ta cũng nên hạn chế sử dụng bia, rươu và các chất kích thích cũng như các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ,…
- Tăng cường hoạt động thể thao: Hoạt động thể thao hợp lý sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện tình trạng mệt mỏi.
Cải thiện trạng thái tâm lý
Các biện pháp thư giãn, giải tỏa tâm lý luôn được khuyến khích để cải thiện tình trạng mệt mỏi. Các biện pháp như nghe nhạc, trị liệu với tinh dầu, chạy bộ,… thường đem lại những kết quả tốt.
Trên đây là những vấn đề khái quát nhất về tình trạng cơ thể mệt mỏi, nguyên nhân và những cách cải thiện. Mong rằng bài viết sẽ hỗ trợ phần nào trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người.
Dược sĩ Hồng Thái