Bí tiểu, tiểu khó hay buồn tiểu nhưng không đi được là triệu chứng bệnh lý khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu. Bệnh xảy ra do nh iều nguyên nhân khác nhau và cảnh báo nhiều bệnh lý gặp phải ở hệ thống tiết niệu.
Đái khó, tiểu không hết là gì?
Bí tiểu hay đái khó là tình trạng tiểu tiện khó khăn trong khi bàng quang không rỗng hoàn toàn hoặc vẫn chứa đầy nước tiểu gây cảm giác khó chịu cho người bệnh. Hiện tượng này chia ra làm 2 loại cấp tính và mãn tính.
Bí tiểu cấp tính:
Theo phản xạ bình thường, khi bàng quang chứa một lượng nước tiểu nhất định (khoảng 250-300 ml) sẽ gây kích thích buồn tiểu và đi tiểu.
Bí tiểu cấp khiến người bệnh có cảm giác buồn tiểu mà không thể đi được một cách đột ngột. Hay nói cách khác bệnh nhân không thể tiểu tiện ngay cả khi bàng quang đang chứa đầy nước tiểu dẫn đến cảm giác tức, đau bụng dưới và đôi khi là các cơn co thắt.
Bí tiểu mạn tính:
Bí tiểu mạn lại là hiện tượng diễn ra do tình trạng tiểu khó kéo dài, nước tiểu tồn đọng trong bàng quang ngày một tăng lên. Đồng thời khả năng tống xuất hết nước tiểu của bàng quang ngày một kém. Sau một thời gian, bàng quang có thể bị căng giãn trầm trọng, kích thước ngày một lớn hơn và mất khả năng co bóp.
Bí tiểu mạn nếu kéo dài lâu ngày không được chữa trị có thể dẫn đến tình trạng căng trướng toàn bộ hộ tiết niệu, viêm tiết niệu ngược dòng. Trường hợp nặng, thậm chí có thể gây dãn thận niệu quản 2 bên, gây suy thận và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Những nguyên nhân bệnh lý dẫn đến chứng tiểu khó, tiểu không hết
Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng tiểu khó, tiểu không hết, cụ thể như sau:
- Dị vật ở bàng quang: Dị vật ở bàng quang có thể là sỏi hoặc cục máu di chuyển từ thận xuống, hoặc sinh ra ngay tại bàng quang, gây tắc nghẽn, chít hẹp đường tiểu (thận, niệu quản, các ống dẫn nước tiểu từ thận đến niệu đạo). Sự tắc nghẽn này là nguyên nhân khiến nước tiểu không thể thoát ra khỏi cơ thể.
- Ung thư bàng quang: Bí tiểu – Một biểu hiện của ung thư bàng quang hiếm gặp vì nó chỉ xuất hiện khi khối u to có thể làm tắc lỗ niệu đạo, nếu hẹp nhiều có thễ gây bí đái khiến cho nước tiểu không thoát ra ngoài được. Soi bàng quang sẽ thấy khối u hay nằm ở vùng cổ bàng quang.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Những bệnh nhiễm trùng như viêm bàng quang, viêm niệu đạo… là nguyên nhân gây bí tiểu thường gặp ở nữ giới. Nhất là ở những người đã có quan hệ tình dục. Tình trạng viêm nhiễm gây sưng và rát tại vị trí viêm, gây bít tắc đường tiết niệu từ đó gây ra bí tiểu ở phụ nữ. Trong trường hợp này, người bệnh thường có cảm giác buốt khi đi tiểu, đi tiểu có mùi khai khó chịu, nước tiểu đục.
- Hẹp niệu đạo thường gặp ở nam giới: Ở những người bị hẹp niệu đạo, dòng nước tiểu sẽ yếu hơn bình thường, tiểu nhiều lần nhất là tiểu đêm nhiều gây bất tiện cho người bệnh, đôi khi bị bệnh nặng có thể làm chặn hoàn toàn dòng nước tiểu, gây bí tiểu. Nam giới có thể có niệu đạo bị hẹp, thường do sẹo sau khi bị thương ở dương vật. Còn các bệnh do nhiễm trùng thường ít gây ra tắc nghẽn niệu đạo ở nam giới.
- Bệnh tiền liệt tuyến: Đây là nguyên nhân bí tiểu ở nam giới tuổi trung niên và người già. Tiền liệt tuyến phát triển to hơn sẽ chèn ép niệu đạo, gây bí đái. Đây là đặc trưng cho dấu hiệu của bệnh u xơ tuyến tiền liệt cũng như là biểu hiện của bệnh viêm tuyến tiền liệt.
- Do các khối u ở tiểu khung: Những bệnh như ung thư trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư thận… khi di căn vào tiểu khung, có thể đè vào vùng cổ bàng quang gây bí đái.
- Do các tổn thương thần kinh trung ương: Những bệnh ở cột sống như chấn thương, gãy cột sống, đứt ngang tuỷ, lao cột sống, u tuỷ, viêm tuỷ… đều có thể là nguyên nhân bí tiểu. Cùng với đó là các bệnh ở não và màng não như: Viêm não, apxe não, chảy máu não, nhũn não, viêm màng não… đều có thể gây bí tiểu.
- Táo bón: Phân cứng trong trực tràng có thể đẩy bàng quang sát vào niệu đạo, làm cho niệu đạo bị chèn ép, nhất là có sự kết hợp của sa trực tràng thì đây chính là một trong những nguyên nhân gây bí tiểu đáng chú ý nhất.
- Sa bàng quang và sa trực tràng: Sa bàng quang xuất hiện khi thành giữa bàng quang và âm đạo yếu đi làm cho bàng quang ngả về phía âm đạo. Vị trí bất thường của bàng quang có thể làm cho nước tiểu không được đẩy hết ra khỏi bàng quang, gây ra các rối loạn tiểu tiện trong đó có chứng bí tiểu.
- Sau phẫu thuật, sau mổ: Cũng rất hay gặp bí tiểu do một số nguyên nhân như bàng quang không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy gây ra chứng tiểu khó. Hay tiểu khó sau mổ do thuốc gây tê tủy sống chứa hai hoạt chất Bupivacain và Fentanyl chiếm tỷ lệ 10-15%.
Bị khó đái phải làm sao?
Tất cả các hiện tượng bí đái, khó đái đều cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và có các biện pháp xử trí kịp thời. Người bệnh (đặc biệt là nam giới lớn tuổi) cần phải đặc biệt chú ý đến điều này vì nếu để lâu sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Tùy vào nguyên nhân gây khó tiểu ở từng người bệnh mà bác sĩ sẽ có những biện pháp cũng như các phác đồ điều trị khác nhau để giúp người bệnh chấm dứt bệnh và phục hồi sức khỏe. Thông thường có hai hướng xử lý sau đây:
Hướng xử lý triệu chứng bí tiểu
- Với trường hợp bí tiểu cấp tính: Người bệnh cần được thông tiểu ngay. Nếu có sỏi thì phẫu thuật lấy sỏi để giải quyết sự chèn ép nước tiểu. Hoặc dẫn nước tiểu từ bằng quang ra ngoài qua các ống dẫn luồn theo đường niệu đạo.
- Với trường hợp bí tiểu mạn tính: Biện pháp điều trị là thông đường tiểu qua da, giảm ngay sự căng trướng, ứ đọng của nước tiểu trong bàng quang. Sau đó sẽ tiến hành điều trị để loại bỏ nguyên nhân gây bí tiểu.
Hướng điều trị với từng nguyên nhân gây bí tiểu cụ thể
- Bệnh viêm đường tiết niệu: Triệt tiêu nguyên nhân gây bệnh bằng kháng sinh. Với những trường hợp viêm nặng gây nhiều đau đớn, tiểu khó, tiểu ra máu có thể kết hợp kháng viêm và giảm đau.
- Sỏi thận, sỏi tiết niệu: Tán sỏi và gắp sỏi bằng máy nội soi.
- U xơ phì đại tuyến tiền liệt: Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh.
- Bệnh chưa xuất hiện triệu chứng: thì chỉ cần theo dõi và đến khám theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Bệnh nhân có những biểu hiện ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày: Điều trị nội khoa bằng thuốc, khi khối u qua lớn hoặc điều trị bằng thuốc không có tác dụng người bệnh sẽ được chỉ đinh can thiệp ngoại khoa.
Hiện nay, có rất nhiều phòng khám điều trị các bệnh tiết niệu, sinh dục mở tràn lan, người bệnh cần tỉnh táo để tìm đúng các địa chỉ uy tín khám chữa bệnh tiểu khó.
Tuy nhiên trong quá trình điều trị bệnh tiểu khó bệnh nhân cũng cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ bởi tiểu khó, đái khó tuy là bệnh không nguy hiểm nhưng lại dai dẳng, cần kiên nhẫn điều trị.
Hiện tượng tiểu khó, tiểu không hết gây nhiều phiền toái cho cuộc sống hàng ngày cũng như sức khỏe của người bệnh. Đó là lý do chúng ta cần tìm hiểu những thông tin về chứng tiểu khó để biết cách xử trí chính xác khi không may mắc phải chứng bệnh này.
Dược sĩ Như Quỳnh