Nếu bạn đang gặp dấu hiệu đau tức ngực kéo dài hoặc nhói thành từng cơn thì đừng nên chủ quan vì đó rất có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những điều cần biết về triệu chứng đau tức ngực, mời bạn đọc cùng theo dõi.
Nguyên nhân gây hiện tượng đau tức ngực
Đau tức ngực liên quan đến rất nhiều nhóm bệnh từ các bệnh về tim mạch, hô hấp đến các nhóm bệnh về tiêu hóa, thần kinh.
Bệnh hô hấp
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Triệu chứng khó thở là triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính điển hình, gây ra tình trạng tức ngực như bị nghẹn. Ngoài ra, người bệnh còn bị ho dai dẳng, mỗi đợt ho sẽ khiến người bệnh đau lồng ngực kéo dài.
- Viêm phế quản cấp tính: Ở giai đoạn đầu kéo dài khoảng 3 – 4 ngày, người bệnh có triệu chứng bỏng rát sau xương ức, tức ngực, đau lưng đi kèm với các triệu chứng toàn thân như sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi. Nghe phổi có thể thấy tiếng ran rít, co kéo lồng ngực.
- Tràn khí màng phổi: bệnh thường gặp ở người trẻ từ 20 – 30 tuổi với tỷ lệ mắc của nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Triệu chứng điển hình của bệnh là cơn đau ngực dữ dội như bị dao đâm và khi ho làm cơn đau nặng thêm. Khám phổi có thể thấy lồng ngực bên tổn thương dãn rộng, gõ vang như trống.
- Ung thư phổi: trong trường hợp khối u phát triển quá lớn gây chít hẹp phế quản, người bệnh sẽ thấy đau tức ngực sau mỗi lần thở.
Bệnh tim mạch
- Bệnh mạch vành: Bệnh có triệu chứng là đau thắt ngực sau xương ức, lan xuống cách tay hoặc lan lên vai ra sau lưng, cổ. Tính chất cơn đau là người bệnh cảm thấy như có vật nặng chèn ép lên ngực, thời gian kéo dài không quá vài phút. Cơn đau thường khởi phát khi gắng sức làm việc, giảm và mất dần sau khi nghỉ ngơi và uống thuốc giãn mạch vành.
- Suy tim phải: Đây là hội chứng bệnh lý thường gặp nhất trong đó cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể. Người bệnh có biểu hiện đau ngực dưới vùng hạ sườn phải, khó thở ít hoặc nhiều, thường xuyên và ngày một nặng dần [1]
- Viêm màng ngoài tim: Triệu chứng rất thường gặp của bệnh là đau ngực lan toả không thành cơn kèm cảm giác đè ép gây đau ngực trái, đau ngực khi nuốt thức ăn do tim đè vào thực quản.
Bệnh liên quan đến thần kinh
Đau dây thần kinh liên sườn: Nguyên nhân thường do thoái hóa cột sống. Bệnh nhân có triệu chứng đau ngực xuyên ra sau lưng, đặc biệt ở phần cột sống. Bệnh hay gặp ở những đối tượng lao động nặng hoặc thường xuyên chơi thể thao quá sức.
Bệnh tiêu hóa
- Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD): ợ nóng là triệu chứng thường thấy nhất của GERD và bệnh nhân có biểu hiện tức ngực ợ hơi do các chất và acid trong dạ dày trào ngược lên và gây tổn thương thực quản. Đặc biệt tình trạng này nặng thêm mỗi lần bệnh nhân nằm xuống [2]
- Ngoài ra một số bệnh tiêu hóa khác cũng gây ra chứng tức ngực đau lưng, tuy nhiên không điển hình như viêm loét dạ dạy tá tràng, áp xe dưới hoành,…
Cách chữa tức ngực
Cách chữa dứt điểm triệu chứng đau tức ngực phụ thuộc vào việc bạn đang mắc căn bệnh nào để có hướng điều trị đúng đắn.
- Đi khám bác sĩ: đây là việc đầu tiên người bệnh nên làm để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của. Một số bệnh nguy hiểm như ung thư phổi rất khó chẩn đoán sớm vì người bệnh thường bỏ qua những triệu chứng như đau tức ngực, ho dai dẳng vì cho rằng nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác. Đi khám càng sớm càng tốt và ở những cơ sở uy tín để tránh bệnh tiến triển và gây ra những biến chứng khó điều trị.
- Đời sống tinh thần cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị và giảm các cơn đau thắt ngực, đặc biệt là trong các bệnh tim mạch. Trạng thái làm việc quá căng thẳng, thường xuyên bị stress sẽ làm nặng thêm các bệnh trào ngược dạ dày, bệnh suy tim.
- Thể dục thể thao thường xuyên với các môn thể thao phù hợp để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai, hơn nữa người bệnh cũng cần có chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng để tạo cho cơ thể sức đề kháng tốt với bệnh tật.
Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp người đọc có những hiểu biết nhất định về triệu chứng đau tức ngực, từ đó tìm ra biện pháp điều trị phù hợp nhất cho mình và người thân.
Dược sĩ Ngọc Mai